Cái Chết Cao Quý Ngày 30-9 NGÀY LƯU ĐÀY SAU CÙNG CỦA EM TÊRÊSA YÊU QUÝ CỦA TÔI NHỮNG CHI TIẾT LIÊN QUAN ĐẾN CÁI CHẾT THÁNH THIỆN CỦA CHỊ Vào lúc sau trưa, trong chính ngày Chị qua đời, chỉ có tôi và Mẹ Agnès de Jésus ở bên cạnh Chị. Run rẩy yếu nhược, Chị gọi chúng tôi đến cứu… Toàn thân Chị đau nhức dữ dội. Chị đặt một tay lên vai Mẹ Agnès de Jésus, một tay lên vai tôi, và cứ dang tay hình thánh giá như thế. Lúc đó đồng hồ đánh ba tiếng, ý nghĩ về Chúa chịu đóng đinh chợt hiện lên trong trí chúng tôi: Vị tử đạo nhỏ bé đáng thương của chúng tôi đây không là hình ảnh sống động sao? Một lúc sau, cơn hấp hối bắt đầu, giờ thử thách này kéo dài thật kinh khủng. Chúng tôi nghe Chị nói: - Ôi! Đây mới là sự đau đớn hoàn toàn! Không có lấy một chút an ủi nào. Phải, không có chút an ủi nào cả! “Ôi lạy Chúa! Tuy thế, con mến Chúa… Lạy Đức Nữ Trinh nhân lành, xin thương đến giúp con! “Nếu hấp hối mà còn như thế này thì sự chết sẽ ra sao?… Ôi Mẹ! Con đoan chắc với Mẹ rằng chén đắng đã đầy tràn. “Vâng, lạy Chúa, xin tuân theo ý Chúa, nhưng xin thương xót con! “Không, con không bao giờ tin rằng người ta có thể chịu đau đớn được như thế!… Không bao giờ, không bao giờ! Con chỉ có thể diễn tả bằng ước vọng nhiệt thành muốn cứu các linh hồn. Ngày mai có lẽ còn ghê gớm hơn! Nhưng không sao, càng tốt!”. Những câu nói đó bị đứt quãng và tha thiết nhưng luôn cho thấy tinh thần chịu đựng của Chị thật phi thường. Mẹ Bề trên cho gọi cả nhà dòng tới. Chị Têrêsa dịu dàng cười tiếp đón chị em, rồi ôm chặt Thánh giá trong tay, Chị để mặc cho đau đớn giày vò, không nói gì. Chị thở dồn dập, mồ hôi lạnh ra ướt đẫm cả mặt. Quần áo và chăn của Chị cũng sũng mồ hôi… Và Chị run rẩy … - Các chị ơi, khi hấp hối nếu cái nhìn sau cùng của em dừng lại trên chị này mà bỏ chị kia thì xin các chị đừng buồn. Em không biết mình sẽ hành động ra sao, nhưng đó là điều Chúa muốn. Nếu Chúa cho em chọn thì cái nhìn sau cùng của em sẽ hướng về Mẹ chúng ta vì người là Mẹ Bề trên. Vậy mà trong cơn hấp hối, vài phút trước khi Chị qua đời, tôi đặt lên môi Chị một miếng nước đá nhỏ, lúc đó Chị nở nụ cười thật hiền dịu với tôi và nhìn tôi bằng cái nhìn tha thiết như muốn xuyên thấu tương lai. Cái nhìn của Chị thật âu yếm, diễn tả một cái gì siêu nhiên để khích lệ và hứa hẹn, như thế Chị bảo tôi: - Này, này, chị Céline của em, em sẽ ở với chị mãi mãi… (Không hiểu lúc đó Chúa có mạc khải cho Chị biết nhiệm vụ nặng nề lâu dài tôi phải đảm nhiệm vì Chị sau này trên trần không, và không biết Ngài có muốn dùng cái nhìn đó để yên ủi cuộc sống lưu đày của tôi không? Vì kỷ niệm của cái nhìn sau cùng, cái nhìn mà mọi người khao khát, - thế mà tôi lại được Chị dành cho, luôn nâng đỡ tôi và là sức mạnh lớn lao cho tôi). Tất cả nhà dòng rung động thổn thức, nhưng bỗng Chị đưa mắt tìm Mẹ Bề trên đang quỳ bên cạnh, cái nhìn xa vời biểu lộ sự đau đớn như Chị đã chịu trước đây. Vài phút sau, Mẹ Bề trên tưởng cơn hấp hối còn kéo dài nên cho các chị tạm lui. Con bệnh quay lại hỏi Mẹ: - Thưa Mẹ, đây không phải là cơn hấp hối ư? Con chưa sắp chết hay sao? Và khi Mẹ trả lời rằng cơn hấp hối còn kéo dài, Chị êm đềm than thở: - Vâng!… được… được… ôi! Con không muốn khổ đau giảm bớt! Rồi nhìn thánh giá: “ÔI… CON YÊU CHÚA!… LẠY CHÚA CON… YÊU… CHÚA!!!” Đây là những lời sau cùng của Chị. Vừa nói dứt lời đó, trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi, Chị thình lình gục xuống, ngả đầu về bên phải. Rồi đột nhiên ngửng lên như nghe thấy tiếng nói huyền nhiệm nào đó, Chị mở mắt và hướng cái nhìn sáng ngời về phía tượng Đức Mẹ làm phép lạ một chút. Cái nhìn kéo dài vài phút, lâu bằng thời gian đủ để đọc chậm kinh Tin Kính. Từ đó, tôi hay tìm cách phân tích giây phút xuất thần ấy, giây phút được diễn tả qua cái nhìn còn sống động hơn cả cái nhìn diễm phúc. Trước hết chúng tôi thấy nơi cái nhìn cũng như nơi bộ diện của Chị lúc ấy một sự xác tín cao quý kèm theo một sự chờ đợi nào đó, chẳng khác gì giờ đây Chị đang đứng trước bức tranh cuộc đời Chị, Chị tự hỏi xem Chúa nghĩ gì về cuộc đời ấy… Rồi sau khi biểu lộ những tâm tình đó, Chị có vẻ hết sức ngỡ ngàng và biết ơn sâu xa. Tôi luôn tưởng rằng chúng tôi đã được dự vào cuộc phán xét riêng của Chị. Một đàng như Phúc Âm đã nói tới, thấy mình xứng đáng đứng trước Con Người 138 và đàng khác thấy những hồng ân Chị sẽ được “vượt quá những ước vọng bao la (của Chị) 139. Vì thế, ngoài thái độ ngỡ ngàng khôn tả, chúng tôi còn thấy toàn thân Chị run lên nữa. Hình như, nhìn thấy tình yêu biết bao chan chứa, Chị không chịu nổi, như thể một người bị tấn công nhiều lần, còn muốn phấn đấu nhưng vì yếu sức nên đành thua, hoan hỉ mà thua. Thật là quá mạnh. Chị nhắm mắt và thở hơi cuối cùng. Hôm đó là ngày thứ năm, 30.9.1897, hồi 7 giờ 20 phút chiều. Chị vừa tắt thở, tôi thấy lòng đau như cắt nên phải vội rời nhà bệnh. Tôi ngây thơ tưởng như mình đi xem Chị lên trời, nhưng bầu trời nhiều mây và có mưa. Bấy giờ tôi đứng dựa vào cột hành lang tu viện và nói trong nước mắt: - Ước chi có trăng sao trên trời cũng đủ. Tôi vừa nói xong thì trời trong sáng và có ánh sao lấp lánh, không còn một áng mây vương trên nền trời thanh quang. Sau khi đã ở Nhà Nguyện trong suốt thời gian Chị hấp hối, cậu mợ tôi (ông bà Guérin) cầm dù ra về và ngạc nhiên trước sự thay đổi đột ngột này, hai ông bà hỏi nhau xem như thế nghĩa là gì.
Về “giọt lệ sau cùng” của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu Sau khi Chị Têrêsa thở hơi cuối cùng và chị em đã lui ra hết, chỉ còn lại mình tôi, thấy có giọt lệ đọng trên mi mắt Chị tôi muốn giữ lấy. Vì không có vải mỏng nên tôi vội cầm chiếc khăn lau giọt nước mắt đó. Đây là viên ngọc quý Chị để lại sau cơn chiến đấu cuối cùng… Rồi xé dọc chiếc khăn, tôi làm viền khăn lại để không ai thấy chi cả. Tôi giữ băng vải đó hoài và giọt lệ cuối đời của em tôi cũng còn hiển hiện thật rõ ràng. Sau này, chỗ thấm nước mắt được cắt thành hình giọt lệ, đặt giữa những viên ngọc quý để trong một hộp di vật có hình thiên thần bằng đồng khối mặc áo giáp. Ánh phản chiếu hạnh phúc vĩnh cửu Sau khi Đầy tớ Chúa nhắm mắt, trên gương mặt in sâu ngay ánh hạnh phúc bất diệt. Chị nở trên môi nụ cười thần linh. Một điều lạ nữa là tuy hai mí mắt Chị khép rất chặt mà vẫn sáng ngời, đầy vẻ sống động chứ không có chi là chết chóc cả. Chưa hề thấy lại đôi mắt nào như thế nơi một Chị đã qua đời! Trông Chị thật tươi xinh nên ngày hôm sau là 1.10.1897, tôi muốn chụp bức ảnh kỷ niệm trong phòng bệnh trước “giờliệm xác”, nhưng gặp bất lợi là máy ảnh của tôi thuộc loại ống kính có tiêu điểm xa, tôi lại phải đứng gần, cộng thêm là nghịch ánh sáng và đối diện với khuôn mặt nhìn từ dưới lên trong cảnh tranh tối tranh sáng. Tuy thế, trong hình vẫn thấy rõ nụ cười hiền dịu duyên dáng và nét mặt Chị không hề bị thay đổi. Chúa nhật 3-10, khi xác Chị đặt ở giữa Nhà Nguyện trong chiếc quan tài đầy hoa, tôi lại chụp một bức hình nữa vào lúc trưa, nhưng nét mặt Chị dài ra và lạ nữa là những lông mi màu nâu biến thành hung hung đậm gần như đen. Chúng tôi thấy Chị có vẻ oai nghiêm nhưng không nhận ra được Chị nữa. Vì thế, vào năm 1905, theo lời xin tha thiết của cộng đồng và nhờ bức ảnh chụp được ở nhà bệnh, tôi đã vẽ một bức mà các chị sống đồng thời với Chị Thánh đều nhận là diễn tả thật chân thực vẻ mặt Têrêsa lúc vừa tắt thở. Bức hình đó đã được in ra trong cuốn “Một Tâm Hồn” từ năm 1906. Còn bức ảnh hôm 3-10 trong những lần xuất bản trước đều có in nhưng phải sửa lại một vài chi tiết.
Thánh Nữ giữ lời hứa thế nào Chị được an táng hôm 4.10.1897 trong nghĩa địa mới của Dòng Kín và chiếm chỗ đầu tiên. Người ta đặt trên mộ Chị cây thập tự bằng gỗ có ghi: “Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu 1873-1897”. Mẹ Agnès de Jésus đã sơn cây thập tự và viết vào đấy những hàng này: “Ôi con lạy Chúa Trời Xin thương nhớ cho lời Con muốn mang lửa Chúa Đi khắp chốn muôn nơi”.Nhưng câu viết vừa xong thì bác thợ mang thập tự đi đặt lại đánh nhoà mất. Mẹ Agnès de Jésus coi đó như một lời chỉgiáo từ Trời Cao, nên thay thế bằng câu khác: “Tôi muốn từ Thiên Đàng làm ích cho trần gian”. Câu này, vì quá thận trọng nên Mẹ không dám viết ngay từ lúc đầu. 112 Câu chuyện rút trong tập Biến Ngôn bằng hình ảnh, nay còn trưng bày trong tủ đồ chơi của Têrêsa tại Buissonnets. 113 Hiệu đánh thức (matraque): một dụng cụ bằng gỗ (đoản côn) dùng như cái mõ để báo thức Cộng đoàn mỗi sớm mai. 114 Ám chỉ những lần tôi bị khiển trách theo thói quen ở Tập viện. 115 Tên một nhân vật tiểu thuyết (Têrêsa dùng tiếng đó ở đây để tỏ ý tội nghiệp cho “Céline”). 116 Để giữ luật im lặng từ tối đến sáng (ông M. ám chỉ chính Têrêsa). 117 Chữ “drès” đọc trại mà ra, xin dịch là “rít”. 118 Che suis riche, drès riche, eh pien! Quand ch’ai commencé les affaires, che n’avais rien! 119 Têrêsa dùng danh từ thân mật bo-bonne (nữ tỳ nhỏ) để gọi Céline, vì trong cơn bệnh hoạn, Céline là y tá phụ nên đã tận tâm săn sóc Têrêsa. Lúc mệt nhọc cực độ, Chị dùng cách xưng hô dễ dàng này. Chị đã từ tốn xin phép để gọi như thế và Chị không muốn dùng tên “Céline” vì tên này đối với Chị thật là âu yếm đến nỗi Chị cho cuốn lịch nào không ghi kính Thánh nữ Céline vào ngày 21 tháng 10 thì là vô duyên. 120 Chị ám chỉ tới đoạn sách đã đọc trong hạnh Á Thánh Théophane Vénard. Tác giả đã ca tụng Á Thánh như sau: “Ngài có một bông hồng trên môi và một chú chim ca hót bên tai”. 121 Pauvre, Pauvre, comme vous êtes “torée”, đọc trại tiếng Torus Latinh có nghĩa là dây thừng. 122 Chị muốn nói tới đoạn Phúc Âm Chúa, ví mình như Tên Trộm (Mt 24,43; Lc 12,39). 123 I Jn II,1. Đoạn này trong bài đọc 3, Nocturne I kinh Mai (Matines) lễ Thánh Gioan “trước cửa Latinh”. 30.5.1897. 124 Nếu ta để ý đến việc chị Geneviève đã sống thật lâu dài, chị đã mừng lễ Ngọc ngày Khấn dòng và hưởng thọ 89 tuổi, thì ta sẽ thấy Chị Thánh dùng tiếng sớm hết sức theo kiểu nói trên thiên đàng, vì trên đó, “một ngày cũng như nghìn năm và nghìn năm cũng như một ngày”. 125 Nói như thế, Chị không có ý bảo ông Martin hấp tấp, nhưng có ý nói tới tính cương quyết của ông, ông không bao giờ để đến mai việc có thể làm ngay hôm nay. 126 Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy (Lc 11,27). 127 Ở đây Chị nhắc tới một đoạn sách đã được nghe trong cuốn Vies des saints d’après les Bollandistes, le P. Giry, etc. tác giả là cha Paul Guérin, cuốn 9, tr. 386, in lần thứ 6, 1868. 128 Trong những tháng cuối đời, Têrêsa như bị ám ảnh vì ước muốn trở lại trái đất sau khi đã lên trời. Chị 129 Têrêsa có ý dùng câu nói cao kỳ này để cho chị mình giải trí. 130 Tác giả bài thơ này là Victor Hugo. Trích trong tác phẩm về Louis XVII, cuộc sống, cơn hấp hối và cái 131 Thoạt nghe có thể hiểu là: “Em sẽ không sống nổi nếu không có cánh” nên Chị Thánh hóm hỉnh trả lời như trên (chú thích của người dịch). 132 Mt 24; Lc 17,35. 133 Mc 12,35; Lc 12,40; Mt 24,44. 134 None: Giờ kinh thứ 9 và Nonne là Nữ tu. Chị Thánh chơi chữ cho Céline được giải trí (chú thích của người dịch). 135 Lili: Tên một nhân vật trong truyện trẻ em, đã nhắc tới ở trên. 136 Jn 16,22 137 Nhã Ca II. II,12 138 Lc 21,36 139 Cf. Thư ngày 28.5.1897 gởi Mẹ Agnès de Jésus. |